huequochoc6774
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


LIÊN LẠC CÁC BẠN ĐỒNG MÔN KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
võ văn chính

võ văn chính


Tổng số bài gửi : 74
Join date : 28/09/2013
Age : 68

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitimeMon Mar 24, 2014 2:04 pm

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM
     Được thi đổ vào trường Quốc Học là một mơ ước của hầu hết những nam sinh ở các trường tiểu học trong thành phố Huế và vùng ven xứ Huế.Sau khi học xong lớp Nhất trường Dương Xuân Thượng – Xã Thủy Xuân – Huyện Hương Thủy – Tỉnh Thừa Thiên tôi đã ghi tên thi vào lớp đệ thất Trường Quốc Học niên khóa 1966-1967, mặc dù không phải là học sinh kém nhưng năm học này tôi đã không thực hiện được sở nguyện của mình mà phải theo học một năm tại Trường Bồ Đề Hàm Long (Chùa Bảo Quốc Huế). Tôi rất buồn nhưng cha tôi động viên con “Học tài thi phận” Nếu con còn mong muốn vào học trường Quốc Học danh tiếng thì cứ tiếp tục thi thêm một lần nữa.Tôi không từ bỏ mơ ước vào học ở ngôi trường này,một mặt vì danh giá của ngôi trường nhưng thực tế hơn là muốn được vào học một trường công lập để đở nhiều tốn kém cho cha mẹ còn nghèo khổ và đang phải vất vả vì miếng ăn , manh áo và sự học hành của cả một đàn con.
    Năm học 1967-1968 tôi đã toại nguyện,được đổ vào trường,để tưởng thưởng cho cố gắng của tôi cha tôi đã mua cho một chiếc xe đạp mới vành 550 để tôi có phương tiện đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.
    Là học sinh của trường từ năm học 1967-1968 đến hết năm học 1973-1974,tôi có 4 năm học trung học đệ nhất cấp và 3 năm học trung học đệ nhị cấp,nơi đây đã để lại trong tôi biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui với thầy cô,bè bạn,gia đình…nhân kỷ niệm 40 năm rời khỏi mái trường (1974-2014) tôi muốn ghi lại một vài kỷ niệm không thể nào quên như là một món quà cho chính mình và cho các bạn hữu thân thương - những người còn đang hiện hữu và cả những người bạn đã sớm vĩnh viễn ra đi .

QUỐC HỌC – XUÂN MẬU THÂN 1968
     Năm học đầu tiên ở ngôi trường Quốc Học là năm học 1967-1968, tôi học lớp Thất 1 –Ban Pháp văn,Cô Tôn Nữ Diệu Trang dạy môn Pháp văn là giáo sư hướng dẫn lớp.Năm học chỉ mới kết thúc xong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (học kỳ 1) là đến thời kỳ nghĩ Tết Nguyên đán. Thông thường khoản ngày mồng 8 Tết là đi học lại,thế nhưng ngày đó đã không đến,kể từ sáng mồng 2 Tết,súng đã nỗ tại nội thành và biến cố Mậu Thân đã xãy ra.Có thể nói tuổi của chúng tôi lúc đó còn ngây dại,không hiểu biết gì nhiều về chính trị,không quan tâm đến chiến sự đang xãy ra và ngày càng leo thang,chúng tôi chỉ biết học và mong được học.Tâm trạng của chúng tôi lúc đó luôn bồn chồn,lo lắng,có một chút sợ sệt và hoảng loạn do sự tác động của chiến sự và đời sống xã hội bên ngoài,chúng tôi chỉ cầu mong một ngày bình yên trở lại để được tiếp tục cắp sách đến trường.
      Rồi ngày đó cũng đến,sau gần một tháng biến động chúng tôi mới trở lại trường.Cảnh vật đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp đó là sự hổn loạn,nhếch nhác,dơ bẩn trong môi trường của ngôi trường có bề dày truyền thống.Nơi đây trong những ngày biến động đã trở thành trại tạm cư của hang chục ngàn người dân Huế và quanh Huế di tản đến để lánh nạn.Lớp học,thư viện,nhà chơi,hành lang đã trở thành những nơi trú ngụ ; quần áo,giường tủ và mọi thứ có thể mang theo được khi di tản được bày biện ngổn ngang,không khí sầu não bao trùm cả khu vực; nhiều bàn ghế học sinh,bảng đen,sách báo của thư viện đã được trưng dụng vào đủ thứ việc kể cả biến thành những vật liệu chất đốt dùng nấu ăn trong những ngày lánh nạn.Các lối đi,sân cỏ,vườn cây,nhà xe ..đã trở thành những bãi rác khổng lồ,những nhà vệ sinh bất đắc dĩ, nơi phóng uế bừa bãi vì khu vệ sinh đã quá tải.Từ bãi trước và sau sân bia Quốc Học bước vào cổng trường đi vào bên trong là một mùi xú uế bốc lên nồng nặc,chịu đựng để bước vào sân trường lúc này là một cố gắng phi thường của một người bình thường.Phải một thời gian dài sau biến cố kết thúc với sự nỗ lực của các cơ quan công quyền,sự đóng góp của các tổ chức thiện nguyện xã hội và lao động tổng vệ sinh của học sinh trong trường môi trường nơi đây mới được trả lại một phần như xưa.

GÓI MÌ ĂN LIỀN ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI
      Đến bây giờ mì ăn liền là loại thức ăn phổ biến ở mọi lúc,mọi nơi với nhiều loại hương vị,nhiều cách chế biến,nhiều mẫu mã,nhưng 40 năm trước thời chúng tôi đang học những năm đầu tiên ở trường Quốc Học thì mì ăn liền là của hiếm,dễ gì những đứa con nhà nghèo như chúng tôi được thưởng thức loại thức ăn “cao cấp ”này,hơn nữa ở Sài Gòn cũng chỉ mới bắt đầu xây dựng nhà máy chế biến mì ăn liền đầu tiên với nhản hiệu Miliket in hình 2 con tôm màu đỏ đựng trong bao giấy dày màu xi măng,biết là vậy nhưng để được mục sở thị và thụ hưởng thì chưa được bao giờ.Cho đến một ngày,ngày đó là ngày thứ hai tuần đầu tiên trở lại học sau biến cố Mậu Thân,nhiều bạn trong lớp đã được nhận một gói quà viện trợ khiêm tốn nhưng thật quý giá đó là 2 quyển vở 50 trang,một cây bút chì và 2 gói mì ăn liền sản xuất tại Đại Hàn Dân Quốc bọc trong gói nilon có trang trí thật bắt mắt,tôi là một trong những bạn được nhận món quà trên và đó là gói mì ăn liền đầu tiên mà tôi được ăn trong cuộc đời,tôi đã ăn gói mì đó một cách ngon lành và thú vị khi đã được đem ra khoe với cha mẹ và cùng chia sẽ gói mì với các em của mình.Chỉ là một gói mì,nhưng lại là một kỷ niệm nhớ đời,một ấn tượng,ấn tượng về tình người,về sự sẽ chia,về nỗi khổ chiến tranh và về hương vị của một thức ăn nhanh đầy mới lạ.

VÕ VĂN CHÍNH
huequochoc6774
(Còn tiếp)



Được sửa bởi võ văn chính ngày Sat Mar 29, 2014 11:04 am; sửa lần 2.
Về Đầu Trang Go down
võ văn chính

võ văn chính


Tổng số bài gửi : 74
Join date : 28/09/2013
Age : 68

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM TT   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitimeTue Mar 25, 2014 7:46 am

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM
(tiếp theo)
NHỮNG CHUYẾN ĐI DÃ NGOẠI
     Ở tuổi mới lớn nên chúng tôi thường rất háo động,thích vui đùa,đi đây đi đó,trong suốt 7 năm học ở trường chúng tôi thường tụ tập thành những nhóm nhỏ và tổ chức đi tham quan các danh lam thắng cảnh,các di tích lịch sử và văn hóa ở Huế và quanh Huế vào các ngày nghĩ học.Ngay từ những năm đầu học Thất 1, Lục 1,Ngũ 1 đến sau này là lớp Chín 5,Mười C.Mười Một C,Mười Hai C hầu như tháng nào cũng ít nhất là một chuyến đi chơi,những người bạn thường cùng chúng tôi tham gia các cuộc vui như Trần Ngọc Bính,Tạ Hồ Công Mạnh,Đoàn Ngọc Tâm,Hoàng Thế Quý,Trần Văn Diệp,Nguyễn Thuần,Bạch Văn Minh,Nguyễn Văn Dũng,Vân Xương Hùng,Lê Văn Hiệp,Đoàn Chí Thành,Châu Văn Bích,Nguyễn Hứa Sính,Trần Lai,Trần Phước Nguyên,Lê Văn Khôi,Lương Mạnh Hùng,Nguyễn Chí Thạnh,Nguyễn Đình Lợi...
     Mặc dù tình hình an ninh lúc này ở các vùng quanh Huế không thật tốt nhưng với tình yêu thiên nhiên và sự mong muốn tìm tòi học hỏi thêm ở ngoài trường chúng tôi thường đi khá xa trung tâm thành phố Huế đến các đền đài lăng tẩm,các ngôi chùa cổ,các thắng cảnh.Trong mỗi chuyến đi chúng tôi đều có sự chuẩn bị khá chu đáo,mang theo thức ăn trưa,phân công người mang theo dụng cụ bơm vá xe đạp phòng khi bị xẹp lốp giữa đường vì phần lớn xe của các bạn trong nhóm đều là những chiếc xe “cà tàng”.
     Mỗi chuyến đi là một bài học mới,một trải nghiệm và đều có những kỷ niệm,nhưng có 2 kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi đó là một lần đi chơi ở Lăng Minh Mạng,khi đi vào sáng sớm thì trời quang mây tạnh nắng ấm,nhưng khi gần đến ngã ba Tuần thì trời đổ một cơn mưa rào xối xã, đường xa,nhà vắng không tìm được nơi trú ẩn nên đành cùng nhau đạp dưới mưa,khi vào đến được lăng rồi thì ai nấy áo quần ướt như chuột lột,những xôi,mì,sắn mang theo cũng “bét nhè bét nhẹt”.Vì chỉ toàn cả một lũ con trai nên chúng tôi đã cởi hết quần áo bên ngoài ra vừa cho đở lạnh vừa hong tạm cho khô quần áo trong tia nắng mới lóe lên sau cơn mưa rào như trút nước,với những cái thân trần trùng trục,với những chiếc quần xà lỏn còn ướt chúng tôi quay quần bên nhau cười nói, chia nhau những thức ăn bét nhè và những đốt mía ngọt ngào tình bạn.
    Lại có một lần chúng tôi cùng nhau lên đồi Thiên An,chúng tôi dắt xe đi từ chân đồi lên đến lưng chừng đồi và cùng chụm xe vào nhau khóa lại cẩn thận trước khi đi sâu vào bên trong tu viện.Cũng như những chuyến đi khác,vui tươi,hào hứng,thân tình không có gì đặc biệt nhưng có một sự cố đã xảy ra thật khó quên.Khi chúng tôi quay trở lại nơi khóa xe để tiếp tục đi lên lăng Khải Định thì một điều không may xãy ra : 2 trong số gần 10 chiếc xe đạp của bọn chúng tôi chỉ còn lại hai bánh trước,phần còn lại không cánh đã biến đâu mất,đối với chúng tôi chiếc xe đạp vào thời kỳ này là một tài sản lớn,một phương tiện tối cần thiết cho việc đến trường,mất xe đạp như là một họa lớn,một sự đau buồn khó có gì bù đắp, sau một chút bàng hoàng,hoảng loạn chúng tôi đã chia nhau ra đi tìm kiếm với một hy vọng mong manh là kẻ cắp chưa đi đâu xa.May thay điều đó đã đúng,sau nhiều phút hì hục tìm kiếm chúng tôi đã phát hiện 2 chiếc xe đạp bị mất nằm ở mép hồ Thủy Tiên với một phần thân xe còn nhô trên mặt nước,nơi mà kẻ cắp đã dấu đi chưa kịp mang ra khỏi khu đồi.Thật hú hồn,một chuyến đi đã ngoại may và không may,vui và nhớ cả đời.

CHẬP CHỬNG VIẾT VĂN,LÀM THƠ
   Khi còn học ở lớp Chín 5 nhóm chúng tôi không có nhiều người có năng khiếu viết văn,làm thơ,nhưng lại có tâm hồn và lòng say mê văn học,một phần cũng háo hức thể hiện mình khi tuổi mới lớn nên đã cùng nhau thành lập một nhóm nhỏ chập chững viết văn,làm thơ,ra tập san dù thơ không hay,văn không trau chuốt,hình thức sơ sài,nội dung nghèo nàn,chỉ được một điều đó là sự ham mê.
   Nhà của bạn Hoàng Thế Quý ở đường Lê Lợi là nơi chúng tôi thường tụ họp nhau để làm tập san,tôi là người hay viết kẻ trên giấy stencil trang bìa và các tiêu đề những bài được tuyển đăng.Bạch Văn Minh,Trần Văn Diệp,Hoàng Thế Quý,Đoàn Ngọc Tâm,tôi và một số bạn nữa mà tôi không nhớ hết đã thường xuyên viết bài cho tập san ra một tháng 2 lần,mỗi tập san chỉ in roneo chừng 20 trang giấy khổ A4 không trắng lắm gấp đôi lại.Sản phẩm làm ra là quà tặng cho bạn bè và cả cho những cô học sinh Đồng Khánh,học sinh nữ Thành Nội cùng trang lứa nữa. Đã có những mối tình học sinh được xây đắp nên từ những trang thơ tình viết vội của tập san này .

NHỮNG NGÀY NGHĨ HỌC KHÔNG MONG ĐỢI
         Ai trong đời học sinh mà không thích những ngày nghĩ học ? Phấn khởi,háo hức và chờ đợi những ngày nghĩ học: nghĩ Tết,nghĩ lễ,nghĩ hè,nghĩ đột xuất vì thầy cô có chuyện riêng...Thế nhưng,đã có một kỳ nghĩ học dài ngày mà chúng tôi không bao giờ mong đợi : đó là kỳ nghĩ của học kỳ 2 năm học 1971-1972 lúc chúng tôi đang học lớp 10C.
      Sau khi học xong học kỳ 1,nghĩ Tết Nguyên Đán và trở lại trường tiếp tục học kỳ 2 chỉ được hơn một tháng thì tình hình chiến sự nóng hỗi bên ngoài đã lên đến đỉnh điểm,xã hội rối ren,lòng người bất an và sống trong sự phập phồng lo sợ,hàng ngày những tin tức chiến sự dồn dập đến,nhiều đoàn xe chở đầy xác lính trận vào ra cổng thành Cửa Trài- Mang Cá,nhiều chuyến máy bay trực thăng tải thương lên xuống mỗi ngày trong sân bay dã chiến trước tòa Tỉnh Trưởng đã tác động tiêu cực đến tâm tư,tình cảm,đến việc dạy,việc học của Thầy và Trò . Và rồi không thể khác hơn,trường phải đóng cửa,thầy nghĩ dạy,trò nghĩ học.Thời gian nghĩ kéo dài từ những ngày cuối xuân cho đến hết mùa hè đỏ lữa năm 1972,nhiều bạn bè đã cùng gia đình di tản vào Đà Nẵng và một số tỉnh phía Nam,trường học không còn là trại tản cư như năm Mậu Thân nhưng vắng vẽ,hiu quạnh,cửa đóng then cài không một bóng người,có chăng chỉ là 2 bác cai trường còn ở lại để giữ trường ngày ngày ra đứng ngơ ngẫn và khép nép sau cổng trường ngóng trông ngày học sinh trở lại.
   Một học kỳ 2 chỉ mới được học hơn một tháng,không thi,không cử và năm học đã trôi qua khi tình hình vẫn còn nhiều bất ổn,thầy trò đang tứ tán khắp nơi.Và vậy là trong thành tích biểu của năm học này học kỳ 2 đã được Bộ Giáo Duc quyết định lấy kết quả của học kỳ 1 làm kết quả chung cho cả năm học.
    Một kỳ nghĩ học dài không mong muốn,một thời kỳ khó khăn nhiều lo âu và đầy ấn tượng trong cuộc đời.Sau năm học này đã có những người bạn đồng môn không còn trở lại trường tiếp tục học,họ đã rời xa mái trường vì nhiều hoàn cảnh khác nhau,cuộc đời và số phận của họ buộc phải thay đổi ngoài ý muốn,nhiều gian lao thử thách đang chờ họ ở phía trước.Nhưng với bản lĩnh của một học sinh trong cái lò Quốc Học Huế,người ra đi hay cả người ở lại họ đều đã dấn thân để tồn tại và bây giờ sau hơn 40 năm họ đã tìm lại được nhau trong tình đồng môn thân ái,chia sẽ những nỗi buồn vui khi ai cũng đã đến tuổi xế chiều.Cũng đáng buồn là có bạn đã vĩnh viễn ra đi không còn cơ hội ngồi lại để nói chuyện cho nhau nghe.

ĐẠI QUẢNG DIỄN ĐƯỜNG PHỐ (CARNAVAL)
      Tôi học lớp 12c vào năm học cuối cùng ở ngôi trường này.Năm học có nhiều kỷ niệm mà tôi còn nhớ mãi,ấn tượng nhất vẫn là cuộc đại quảng diễn đường phố do nhà trường tổ chức,những người thầy trực tiếp đạo diến chương trình này mà tôi biết là các thầy giáo Châu Tăng,Võ Văn Đệ,Trần Văn Hồng,thầy Hiệu trưởng Phan Khắc Tuân và nhiều thầy cô giáo hướng dẫn lớp.Cuộc đại quảng diễn được tổ chức với sự tham gia của tất cá các lớp trong trường từ lớp 6 đến lớp 12,hơn 40 lớp,mỗi lớp một chủ đề khác nhau về các sự kiện lịch sử,về các vị anh hùng dân tộc,về các sắc dân,về các ngành nghề truyền thống ... Lớp 12c chúng tôi được phân công hóa trang chủ đề “Lều chỏng”, chúng tôi đã cùng nhau hóa trang thành những thư sinh,những ông cống,ông nghè,ông đồ xưa mang lều chỏng đi tham dự các kỳ thi Hương,thị Hội,thi Đình thời phong kiến,những chiếc áo the,áo dài đen,khăn đóng,guốc mộc,bút nghiêng,chỏng tre...được mượn hoặc tự tạo.Không khí ngày quảng diễn thật hào hứng và sôi động,đoàn dài hơn một cây số,đã diễu hành quanh các đường phố chính trong thành phố với sự tham gia cỗ vũ,phấn khích của đông đảo bà con nhân dân thành phố.Chính từ cuộc đại quảng diễn này đã dạy cho tôi một bài học quý giá về tính năng động,sáng tạo,kinh nghiệm tổ chức các sự kiện mà sau này khi tôi trở thành một người thầy,một nhà tổ chức,một người kinh doanh tôi đã thực hành thành công ở nhiều việc,nhiều nơi.

TÚ TÀI IBM
     Có thể nói khóa học chúng tôi là một khóa học đặc biệt,các khóa khác trước chúng tôi thường phải thi Tú Tài 1 rồi đến Tú tài 2,nhưng chúng tôi chỉ thi tốt nghiệp trung học một lần và đặc biệt hơn cả là kỳ thi được tổ chức thực nghiệm lần đầu tiên hệ thống máy tính IBM bằng hình thức thi trắc nghiệm ở tất cả các môn thi và đó cũng là lần thi duy nhất được thực hiện trước năm 1975,và cho đến nay việc thi tốt nghiệp bằng trắc nghiệm cũng chỉ mới thử nghiệm ở một số môn.
       Dù mới lạ và ngở ngàng nhưng chúng tôi đã có những nỗ lực và nhanh chóng thích nghi dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.Thế là chúng tôi kết thúc năm học cuối cùng ở ngôi trường Quốc Học thân thương và gắn bó với tấm bằng Tú tài IBM làm hành trang bước lên nấc thang mới hoặc có người vội vả bước vào đời.

RA TRƯỜNG
        Bảy năm gắn bó với ngôi trường,biết bao kỷ niệm đã len lỏi vào tâm trí chúng tôi,ngày ra trường thật bồi hồi xúc động,những hình ảnh thân thương của các thầy cô giáo,những lời dạy bảo đầy trách nhiệm,mỗi người mỗi tính cách,mỗi vẽ riêng : Linh mục Nguyễn Văn Thích dạy Hán văn năm đệ Thất chữ viết nắn nót và rất đẹp,thường cầm trên tay cây thước kẻ và là “quà tặng “ lên 2 bàn tay chụm lại cho các bạn không may ngồi ở bàn đầu khi lớp học ồn ào mất trật tự; nét đẹp vui tươi,hiền hậu và thu hút của cô giáo Tôn Nữ Diêu Trang dạy môn Pháp ,cô Lê thị Liên dạy Sử Địa ; sự nghiêm khắc của thầy Châu Tăng dạy Toán và thầy Hồ Đăng Huy môn thể dục; sự hiền từ,tận tụy của thầy Bữu Văn dạy Pháp,thầy Nguyễn Gia Ứng,thầy Phạm Đình Uyển dạy Anh văn; sự thương yêu học trò của các thầy Võ Văn Đệ,Lê Ngọc Khởi dạy Toán,thầy Lê Quang Khanh dạy Lý Hóa,thầy Trần Gia Thọ dạy Sinh vật,thầy Tôn Thất Lôi dạy Sử Địa; sự tài hoa của thầy Lê Gia Phàm dạy Nhạc.Thầy Tôn Thất Đào,thầy Khuyến dạy Hội họa;với thầy Ngô Kha dạy Công dân thì thường giảng những điều không nằm trong sách giáo khoa nhưng giờ học luôn sinh động và thu hút học sinh,thầy đã có trích một câu nói mà tôi luôn ghi tạc “ Không có nghề thấp hèn mà chỉ có người thấp hèn”; các thầy Nguyễn văn Lâu,Phan Khắc Tuân- Hiệu trưởng,thầy Nguyễn Phú Phụng-Tổng giám thị,thầy Lê Công Quy phòng Giáo Vụ...đều để lại trong tôi những gương sáng về sự tận tụy đối với học sinh thân yêu của mình.Không chỉ là thầy cô mà còn những tình cảm gắn bó với bao nhiêu lớp bạn bè,cũng mỗi người mỗi vẽ,khi vui khi đùa,khi buồn khi giận ; rồi còn cả nhũng gốc phượng,hàng muối ,thư viện, nhà xe,nhà chơi,sân vận động,phòng khánh tiết,phòng y tế,phòng giáo vụ,bình phong Long Mã,Cổng trường,quán chè Bác Cai Thậm ...đều đã ghi dấu những kỷ niệm một thời,một giai đoan,một thời kỳ khó khăn,một quảng đời đầy cố gắng,một bước đệm làm điểm tựa để bước vào một ngưỡng cửa mới nhiều gian lao và thử thách hơn .
     Ngày cùng cha tôi đến dự lễ phát thưởng năm học cuối cùng ở trường,từ hành lang của phòng khánh tiết tôi đã nhìn thật lâu xuống sân trường và các lớp học một lần cuối trước khi tạm biệt mái trường.Tôi nghĩ rồi đây mình sẽ dấn thân về phía trước,bỏ lại sau lưng ngôi trường và những kỷ niệm,hành trang mà tôi mang theo mình là những gì đã được un đúc,tích lũy từ ngôi trường này,chính tấm gương và các lời dạy bảo của các người thầy đã cho tôi niềm đam mê đến với nghề dạy học sau này .
        Ngày đầu tiên trên đường đến học ở ngôi trường mới Đại Học Sư Phạm Huế,nơi tôi đã trúng tuyển vào Khoa Sử Địa năm học 1974-1975, tôi đã một lần nữa dừng lại trước bức bình phong Long Mã và Cổng trường Quốc Học như một lời tạm biệt,một sự tạ ơn nơi đây đã chắp cánh cho tôi đi vào cuộc đời bằng một trang mới ./.

 VÕ VĂN CHÍNH
huequochoc6774
Về Đầu Trang Go down
Hồ Văn Vinh

Hồ Văn Vinh


Tổng số bài gửi : 727
Join date : 30/01/2013
Age : 69
Đến từ : Đà Nẵng

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitimeWed Mar 26, 2014 9:14 am


Về Đại Quãng Diễn ngày 26 tháng 12 năm 1973
Chính Võ ơi.
Bạn còn tấm ảnh nào về đề tài "Sĩ tử đi thi" lớp 12C của bạn không ?
Post lên cho các bạn cùng biết,hàng hiếm và quý lắm đó.
Đề tài "Tam giáo" lớp 12B1-Ảnh do bạn Lê Anh Tuấn lưu trữ và gởi về từ Mỹ.
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Ev1hr8
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM 161ausn
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM 8vx7xt
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM 33jqvj5

Đề tài "Tứ dân"-Sĩ,Nông,Công,Thương của lớp 12A1-Ảnh do Vinh lưu trữ.
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM 2mh8y77
Trần Ngọc Nhuận,Hồ Văn Vinh,Lê Như Dũng
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM 6dswb5
Các lớp :12A2,12A3,12B2,12B3,12C không tìm đâu ra hình.
HVV

Về Đầu Trang Go down
võ văn chính

võ văn chính


Tổng số bài gửi : 74
Join date : 28/09/2013
Age : 68

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitimeWed Mar 26, 2014 11:29 am


     Mình vẫn đang còn một số hình ảnh và tư liệu về trường nhưng rất tiếc mình không mang theo qua Mỹ,như hình ảnh tụi mình ở trần tại lăng Minh Mạng,ảnh phát thưởng tại trường,các thành tích biểu,bảng tưởng thưởng ...riêng ảnh về cuộc diễu hành mình đã hư mất trong cơn lũ năm 1999.Khi nào về lại VN mình sẽ cung cấp sau.
Thân
Về Đầu Trang Go down
Hồ Văn Vinh

Hồ Văn Vinh


Tổng số bài gửi : 727
Join date : 30/01/2013
Age : 69
Đến từ : Đà Nẵng

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitimeFri Mar 28, 2014 5:34 pm


Vinh nhớ lại

       Biến cố Tết Mậu Thân xảy ra vào sáng mồng 2 tết nhằm ngày 31/1/1968.Kết quả học tập của tháng 12 và 1 chưa được tổng kết rồi nghĩ tết và mãi đến đầu tháng 4 toàn bộ học sinh mới đi học lại được.Đây cũng chính là một năm học đặc biệt nhất của các học sinh tại Huế.Thông lệ các năm học đều kết thúc vào cuối tháng 5 rồi nghĩ hè,nhưng năm đó toàn bộ học sinh phải học đến hết tháng 6 mới tạm đủ chương trình.Cũng chính điều này mà mình bị mất chiếc xe đạp tại trường đúng vào ngày 19/6/ năm đó.Hình ảnh minh chứng cho việc học trể này.

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM 311n8u0

Học bạ năm đệ thất 3
HVV
Về Đầu Trang Go down
võ văn chính

võ văn chính


Tổng số bài gửi : 74
Join date : 28/09/2013
Age : 68

NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitimeSat Mar 29, 2014 10:59 am


       Vinh Ơi,mình chỉ nói chuyện mình trở lại trường sau khi biến cố thực sự kết thúc,khi mình đến thì nơi đây vẫn còn người dân tản cư đến ở ,mặc dù đã có một số trở về lại nhà,một thời gian sau khi bà con về hết mới tập trung làm vệ sinh,nhà trường ổn định tổ chức mới đi học lại như Vinh đã nêu ở trên.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM   NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
NGÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG KỶ NIỆM
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NGÔI TRƯỜNG,THẦY CÔ VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐỂ LẠI- Viết cho Đặc San
» THƯ MỜI GẶP MẶT NHÂN KỶ NIỆM 120 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG
» NHỚ MÁI TRƯỜNG XƯA - HÌNH ẢNH TRƯỜNG NGÀY NAY
» NGỒI BUỒN NHỚ BẠN
» CHÚC MỪNG NĂM MỚI

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
huequochoc6774 :: huequochoc6774 :: Trường, Lớp-
Chuyển đến