huequochoc6774
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


LIÊN LẠC CÁC BẠN ĐỒNG MÔN KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 Bài viết: CHÚ TÔI.

Go down 
Tác giảThông điệp
lequytri

lequytri


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/02/2013
Age : 69
Đến từ : Thành Phố HUẾ

Bài viết: CHÚ TÔI. Empty
Bài gửiTiêu đề: Bài viết: CHÚ TÔI.   Bài viết: CHÚ TÔI. Icon_minitimeTue Dec 29, 2015 4:07 pm

       BBT tạm thời Đặc san số 2 vừa nhận được bài viết CHÚ TÔI của bạn Nguyễn Văn Tá, (Thôi) gởi về. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết đến với các bạn.
CHÚ TÔI.
     Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng kí ức của những năm tháng cực khổ cùng với chú tôi (tôi gọi cha bằng chú) trong ngôi nhà nhỏ tạm bợ ở phủ Gia Hưng, đường Bạch Đằng, không hề phai nhạt trong tâm trí tôi. Tôi luôn nhớ về người chú thân yêu của tôi, với lòng biết ơn, tôn kính và hôm nay, tôi viết những dòng tâm tư này để nói lên nhiều điều mà trước đây tôi không nói được khi người còn sống. Một phần cũng để cho các con tôi biết được cuộc đời của một người ông nghèo khổ, cơ cực, luôn hi sinh và thương yêu con cháu với một tình cảm bao la, giản dị.
     Tôi nghe kể rằng đường con cái của chú tôi khó khăn, phải kiêng cử gọi cha bằng chú con cái mới dễ nuôi. Trước đó chú tôi đã có vợ và 2 con gái nhưng đều mất hết. Đến năm 1945, chú tôi từ Đà Lạt trở về quê hương mới gặp mẹ tôi và sinh được 3 người con- chị tôi, tôi và em tôi lúc đã ngoài 50 tuổi.
      Để cả gia đình 5 miệng ăn tồn tại ở Huế cũng không dễ dàng gì. Một mình chú tôi phải bươn chải, lao động vất vả bằng nghề kéo xe vận tải, nên vóc dáng của chú tôi hồi đó thấp gầy, da đen sạm nhưng được cái rắn chắc và khỏe.
     Khi tôi 11, 12 tuổi, chú tôi đã ngoài 60 nhưng vẫn kéo được xe và vác những bao hàng cả 100kg. Lúc đó tôi còn ngây thơ, tự hào với bạn bè về sức mạnh của chú tôi, chứ tôi không biết rằng chú tôi đang ráng sức gánh cuộc sống cả gia đình trên đôi vai già yếu để nuôi chị em chúng tôi khôn lớn từng ngày bằng những hạt cơm mặn chát mồ hôi của chú.
     Tôi còn nhớ, có những buổi sáng mùa đông ở Huế, trời mưa lạnh, chú tôi thức dậy sớm để chở thuê hàng ra chợ Đông Ba, một mình chú tôi không kéo nổi chiếc xe chở hàng lên dốc cầu Gia Hội, nên tôi cũng phải dậy sớm để phụ đẩy xe. Trời còn sớm, đường sá vắng tanh, trong quầng sáng mờ mờ vàng vọt của ánh đèn đường, hình dáng gầy gò của chú tôi còng lưng, ráng sức kéo chiếc xe lên dốc, khó khăn nhấc từng bước chân vòng kiền nặng nhọc liêu xiêu...hình ảnh đó như một lát cắt hằn sâu trong kí ức non nớt của tôi mãi cho đến bây giờ.
     Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó rất nghèo, chú mạ tôi biết rằng, cũng vì nghèo không được học hành nên mới khổ, vì vậy, việc học hành của chị em tôi luôn được chăm lo chu đáo. Nhưng lực bất tòng tâm, cuộc sống càng lúc càng khó khăn, thế là chị tôi phải bỏ học nửa chừng để ở nhà giúp việc, còn 2 anh em tôi may mắn hơn, được tiếp tục đi học. Đến khi thi đệ thất, chúng tôi nhờ các anh chị trong xóm chỉ dẫn thi trường nào, rồi tự mình làm đơn, tự học để đi thi và kết quả là tôi đậu trường Quốc Học, em tôi đậu vào trường Tổng Hợp Gia Hội.
     Chuyện tôi đậu vào trường Quốc Học một phần cũng nhờ chú tôi. Hồi còn học lớp năm, lớp tư (nay là lớp một , lớp hai), độ 7, 8 tuổi, rất ham chơi, tôi thường chạy lên chợ Đông Ba chơi với bạn bè, có bữa ham vui quên cả chuyện về nhà ( đi bụi đời). Chú tôi tìm bắt tôi về, không la, không đánh, chú tôi đặt trước mặt tôi hai cái chén: một chén đựng cơm có thêm khúc cá và một chén xúc đầy cám heo bốc mùi chua lét (nhà tôi hồi đó có nuôi heo) rồi nói: Nếu con muốn ăn chén cơm thì ráng học hành đàng hoàng để sau này khỏi cực khổ như chú, còn con thích đi chơi, thì ăn cám heo và từ nay, chú sẽ không nói thêm gì nữa. Không biết hồi đó vì sợ chú hay sợ mùi hôi chua của cám heo mà tôi học hành chăm chỉ, không còn chơi bời lêu lổng và kết quả là chú tôi rất vui khi biết tôi đậu vào trường Quốc Học.
     Từ đó tôi trở thành một con người hoàn toàn khác. Tôi đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với gia đình khi tôi vẫn còn là một cậu thiếu niên 13, 14 tuổi. Tôi còn nhớ, những lúc được nghỉ hè, tôi vẫn thản nhiên khi thấy bạn bè được đi học hè, còn tôi phải phụ đẩy xe cho chú tôi từ sáng sớm. Công việc tuy vất vả nhưng cũng vui, vì sau mỗi lần kéo xe, chú tôi thường mua cho mình một miếng thịt đầu heo quay của mụ Toại, khoảng 5 đồng và một li rượu nhỏ, không ngồi lâu, chỉ ăn miếng mồi, uống một li cho giãn gân cốt rồi đi, còn phần thưởng cho tôi là một miếng thịt quay nhỏ hơn nhưng rất thơm ngon. Mãi đến bây giờ, mỗi lần ăn một miếng thịt quay, khi ngửi thấy mùi thơm đó, thì hồi ức của những ngày vất vả xưa và hình ảnh của chú tôi như sống lại, như đang trở về ...
      Đến năm 1968, vì sức khỏe giảm sút, chú tôi không đủ sức để chở hàng thuê ở đường Chi Lăng nữa mà chỉ nhận hai mối chở vải sáng lên chợ Đông Ba, chiều chở về (của mẹ bạn Hòa và mẹ bạn Cân) và một mối chở lên bến xe Nguyễn Hoàng. Vào thời điểm này, hầu như hai anh em tôi đã thay thế công việc của chú tôi. Nhưng cuộc đời thật cay nghiệt, sau quá trình lao động cực nhọc, nay già yếu, còn một chút sức tàn, chú tôi cũng không được nghỉ ngơi, mà lại trở thành người phụ đẩy xe lên dốc cầu Gia Hội cho tôi.
      Và cứ thế, mỗi buổi sáng, lúc 3h30, bất kể thời tiết thế nào, tôi cũng phải thức dậy, đi nhận hàng và chở hàng xong mới về nhà để chuẩn bị đi học.
     Lúc này, tôi đã thi vào trường Nông Lâm Súc Huế. Thật lòng, đang tuổi mới lớn và bắt đầu biết xấu hổ, tôi cũng lo, sợ bị bạn bè bắt gặp cảnh mình đang kéo xe hoặc một bạn gái mới quen bắt gặp mình đang làm những việc làm thấp kém. Đôi khi cũng có những giây phút chạnh lòng, mặc cảm và buồn cho thân phận. Nhưng rồi nghĩ đến hoàn cảnh gia đình mình và nhất là sự vất vả và hi sinh của chú tôi thì mọi suy nghĩ vụn vặt kia đều biến mất và lúc đó tôi chỉ biết cúi đầu chấp nhận, lầm lũi làm việc hết sức mình vì cuộc sống gia đình.
     Cũng trong thời gian này, có một chuyện mà tôi vẫn còn ray rức mãi trong lòng cho đến bây giờ...vào một buổi sáng cuối năm, trời Huế lạnh cắt da, mưa dầm dề, ướt át, như thường lệ đúng 3h30, chú tôi kêu tôi dậy để chở hàng. Nói thật, lúc này tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ, nói cho đúng là có lúc thèm ngủ hơn thèm ăn, nên tôi cứ ngủ ráng thêm được chút nào sướng chút đó. Chú tôi vừa kêu vừa năn nỉ như muốn khóc, tôi vùng dậy vừa súc miệng vừa càm ràm. Qua ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, tôi vẫn còn nhớ như in khuôn mặt buồn bả, như van lơn, nhưng trong đôi mắt lại ánh lên nỗi xót xa, thương cảm cho đứa con trai mới mười mấy tuổi đầu mà phải lam lủ vì cuộc mưu sinh. Thật ra sau này tôi mới hiểu. Tôi có biết đâu, lúc đó, tiền thuê chở hàng mỗi tháng, chú tôi đã mượn trước để mua gạo và trang trải cuộc sống gia đình, vì sợ không hoàn thành công việc khi đã nhận tiền của chủ hàng nên chú tôi rất lo lắng.
     Chú ơi, con ân hận vô cùng. Ước gì lúc đó con hiểu biết hơn, con cố gắng siêng năng hơn, biết chia sẻ những lo lắng với chú thì bây giờ con đỡ ray rức biết bao nhiêu...

      Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi... đến năm 1972, lúc đó, tôi đang học lớp 10 nhưng đủ tuổi để thi Tú tài I nên tôi quyết định thi băng. Vì không có tiền để đến các lớp luyện thi nên tôi phải tự học ở nhà. Một ngày trước khi treo bảng chính thức, tôi đưa số báo danh của mình nhờ người quen dò trước. Và kết quả là...rớt! Chú tôi rất buồn và chỉ nói một câu với mạ tôi mà tình cờ tôi nghe được: Răng con mình học rứa mà thi rớt!?? Và hôm đó chú tôi uống rượu say. Một lần say duy nhất trong đời của chú tôi mà tôi nhìn thấy.  Tôi cũng rất buồn và chuẩn bị tư tưởng đi lính.... Ta hỏng tú tài, ta đợi ngày đi...đau lòng ta muốn khóc...lời bài hát cứ vang mãi trong đầu....
      Ngày hôm sau, tôi biết có kết quả chính thức niêm yết tại trường Nguyễn Tri Phương nhưng tôi cũng chẳng buồn đi coi... Buổi chiều, đang ngồi buồn chán ở nhà, thì Lộc- thằng bạn cũng thi băng như tôi, chạy vô nhà chúc mừng tôi thi đậu. Tôi nói: Đậu chi mô, tau nhờ họ dò trước, hỏng rồi! Lộc trợn mắt cãi lại: Khi sáng tau dò cũng thấy tên mi, chiều ni qua dò lại cũng thấy tên mi. Tôi không tin và trong lòng cũng chẳng hi vọng gì nhưng cũng đạp xe đi theo Lộc qua trường xem. Đến nơi, nó xông xáo dẫn tôi đến trước bảng kết quả, chỉ tên tôi... Tôi đọc đi đọc lại tiêu đề, rõ ràng là Kết quả thí sinh trúng tuyển kì thi tú tài I năm 1972 ban B. Rồi tôi đọc đến tên mình, năm sinh...tôi mở bóp lấy tờ phiếu báo danh ra dò lại cho chắc. Thôi chết rồi, thì ra là số báo danh của tôi là 982, mà khi nhờ họ dò giúp thì đọc lộn thành 892 là số bị hỏng nên mới ra cớ sự.
     Vì quá bất ngờ nên tâm trạng của tôi lúc đó rất khó tả, nhiều cảm xúc đan xen... Vừa lâng lâng bay bổng, ... vừa mừng vui muốn khóc. Tôi liền nghĩ ngay đến chú tôi khi biết tin này chắc vui lắm... Và tôi nghĩ, nếu có bị đi lính thì chắc chắn cũng có lon chuẩn úy rồi. Thế là tôi và Lộc đi uống cafe để ăn mừng sự kiện trọng đại này.
     Đến tối, khi nghe tin tôi thi đậu, chú tôi không tin là thật, vừa ngạc nhiên, vừa sung sướng cứ hỏi đi, hỏi lại thiệt không, thiệt không? Hôm sau, chú tôi mua một cái đầu heo để cúng tạ ông bà. Đây là lần đầu tiên vì từ trước đến nay nhà nghèo, chưa có khi nào mua được cái đầu heo để cúng. Thấy chú tôi cầm hương lâm râm khấn vái mà khuôn mặt cứ ngời lên nét sung sướng làm tôi thật sự xúc động.
     Lúc đó, tôi lạc quan tin rằng, đời mình và cả gia đình mình sẽ thay đổi theo hướng tốt. Ai ngờ đâu tiếp sau đó là những sự kiện, biến cố dồn dập xẩy đến. Gia đình tôi, bình thường vốn đã "mỏng manh dễ vỡ", nay lại gặp cảnh dầu sôi lửa bỏng, chẳng khác gì một chiếc thuyền nan lênh đênh trên biển giữa phong ba, bão táp. Và cuối cùng tất cả đã vỡ tan, và tôi như là một mảnh vỡ của con thuyền cũ nát, trôi dạt theo dòng đời, qua bao thác ghềnh bão lũ, chẳng biết đâu bờ bến.
     Cuộc sống của tôi lúc đó thật sự khó khăn, bi đát, đúng nghĩa là tha phương cầu thực, làm đủ nghề mới có được bữa đói bữa no, một thân một mình cô quạnh giữa núi rừng, không bà con thân thích. Vào thời điểm khó khăn đó, năm 1979, tôi lại nhận được tin chú tôi mất, tôi không có đủ tiền để về nhà chịu tang cho chú. Em tôi phải nhờ vả bà con và xóm làng giúp đỡ nên chú tôi mới được đưa về làng chôn cất gần ông bà, thỏa mãn ước nguyện của chú tôi. Sự mất mát quá lớn này, cộng thêm cuộc sống bế tắc, thực sự làm tôi suy sụp..., năm đó tôi 26 tuổi.
     Mãi đến 10 năm sau, tôi mới có đủ điều kiện để về quê, thắp hương lên mộ phần của chú tôi. Nhìn ngôi mộ được đắp đơn sơ bằng cát trắng, không một tấm bia ghi tên tuổi, trải qua nhiều ngày mưa gió xói mòn thấp lè tè... trong cảnh mưa phùn, gió bấc, tôi thấy sao nó cô đơn, hiu quạnh như chính cuộc đời cơ cực, lam lủ của chú tôi. Tôi đứng lặng thinh giữa trời đông lạnh giá mà xót thương cho thân phận một đời người sống cơ cực, chưa một ngày được thảnh thơi mà không một lời than thân, trách phận. Tôi không khóc nhưng sao nước mắt cứ rưng rưng...Con thương chú quá, chú ơi!!!
     Chú ơi, bây giờ, cuộc sống của chúng con đã khá hơn nhưng chú không còn nữa. Đây chính là điều mà con cứ ray rức mãi trong lòng vì con chưa một lần được phụng dưỡng cha già và nhất là đến ngày chú nhắm mắt từ giã cuộc đời mà con cũng không được gặp mặt chú lần cuối. Giờ đây, không kể đến ngày giỗ chú (23/5 âm lịch) mà mỗi ngày, con chỉ biết đứng trước bàn thờ thắp hương cho chú như để tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến người cha suốt đời vất vả vì chúng con mà thôi. Chú ơi, con nhớ chú...

Tánh Linh, Bình Thuận, 20/12/2015.
  NGUYỄN VĂN TÁ -  THÔI
Về Đầu Trang Go down
 
Bài viết: CHÚ TÔI.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» " VIỆT VỊ" LÚC NỬA ĐÊM.
» MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ XỨ HUẾ THÂN YÊU CỦA TÔI
» NHỚ VỀ MỘT CHUYẾN ĐI
» VIẾT THEO LỜI KỂ:CHUYỆN ĐỜI TÔI
» CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
huequochoc6774 :: huequochoc6774 :: Ôn Lại Ngày Cũ-
Chuyển đến