huequochoc6774
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


LIÊN LẠC CÁC BẠN ĐỒNG MÔN KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 BÓNG CHIM

Go down 
Tác giảThông điệp
lequytri

lequytri


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/02/2013
Age : 69
Đến từ : Thành Phố HUẾ

BÓNG CHIM Empty
Bài gửiTiêu đề: BÓNG CHIM   BÓNG CHIM Icon_minitimeTue Aug 09, 2016 4:22 pm

      BBT Đặc san 2 vừa nhận được bài viết của bạn Trương Viên gởi về. Xin giới thiệu bài viết đến tất cả các bạn.

BÓNG CHIM
Trương Viên
        Huế là một thành phố đẹp. Vẻ đẹp ấy một phần vì Huế có thiên nhiên đẹp. Huế hấp dẫn nhiều du khách bởi Huế có dòng sông Hương, có núi Ngự Bình, có Bạch Mã, có các đồi thông, các bãi biễn, và một quần thể di tích hài hòa độc đáo.  
       Đó là vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp hình thức, là sự lôi cuốn về mặt vật chất của Huế.
     Có một vẻ đẹp vốn có trước đây của Huế mà chúng ta ít tìm thấy, hoặc không còn tìm thấy nữa hiện nay, vẻ đẹp tạo nên sự hoà quyện, đưa con người đến với thế giới thiên nhiên, kéo con người lại gần với cỏ cây loài vật, làm cho Huế trở thành một thế giới tự nhiên sinh động, đó là vẻ đẹp của những bóng chim.
      Đó cũng là vẻ đẹp bên ngoài, nhưng theo tôi, nó thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong của con người, của người dân xứ Huế yêu thiên nhiên.
      Tôi còn nhớ như nguyên những năm xưa, hồi tôi còn là học sinh tiểu học. Mỗi buổi sáng cắp sách đến trường đi qua những con đường làng An Cựu, chúng tôi thấy từng bầy chim đủ chủng loại đang đậu rợp bóng trên những hàng cây. Đó là những chú chim sẻ, chim cu, chim cưỡng, chim sáo, chim sếu, chim chụp miều, và nhiều loại chim khác. Các loài chim thi nhau bay nhảy hót chào bình minh làm cho lòng chúng tôi thêm rộn rã trên mỗi bước chân đến trường. Bên những cánh đồng lúa chín, những đàn chim cò bay liệng quanh những chú bù nhìn đang đứng canh bên bờ ruộng, chúng nhẹ nhàng đậu xuống, rồi vỗ cánh bay lên về phía trời xanh. Trong thành phố, trên các quốc lộ, nhìn lên các hàng cây và đường dây điện hai bên đường, chúng tôi luôn thấy từng hàng chim đậu nhìn chúng tôi đi qua. Rồi chúng vỗ cánh bay, bay thành đàn rất đẹp. Bên dòng sông Hương, những đàn cò trắng đậu xuống rồi bay lên quanh những bãi cỏ mơn mởn còn đọng nhiều hạt sương mai, rồi liệng sát mặt nước trong xanh của dòng sông làm tung những giọt nước như những đốm sáng phản chiếu ánh mặt trời của buổi ban mai. Ký ức tuổi thơ của chúng tôi có nhiều bóng dáng của những cánh chim.
      Chúng tôi lớn lên có sự chắp cánh của những bài học về loài chim, qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Đó là những bài học về kinh nghiệm dân gian:

“Chim bay về núi, tối trời”, 
“Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa”, 
“Gió bắc hiu hiu, sếu kêu trời rét”, 
       Chim dạy cho chúng tôi những bài học về tính đồng loại, về sự gắn bó và đoàn kết:

“Chim có tổ người có tông”, 
“Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn”, 
“Con quạ tha lá lợp nhà, con cu chẻ lạt, con gà dừng phên”.
       Chúng tôi đến gần với loài chim hơn qua những ẩn dụ của ngôn ngữ dân gian:

“Con cò mà đi ăn đêm, đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao...”
“Khi xưa ai biết ai đâu, vì chim Ô Thước bắc cầu sông Ngân.”
      Đó là vùng trời tuổi thơ, vùng trời quê hương với đầy chim và bướm, mà mỗi người Việt Nam, ít nhiều ai cũng từng đi qua, đã từng trải nghiệm.
      Ngày nay, những bóng chim đã ít đi hoặc ở nhiều nơi trong thành phố bóng chim đã biến mất.
      Đâu là nguyên nhân?
      Có bạn sẽ trả lời: Người Huế trước đây hiền hơn. Cũng có thể.
      Trước đây, bạn bè chúng tôi có đứa tinh nghịch vẫn làm ná bắn chim. Nhiều chú chim tội nghiệp rớt xuống trên vũng máu do những hòn đá được bắn đi từ những chiếc ná của con người. Khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhiều người đã dùng súng để săn bắn chim, thay vì dùng ná. Độ chính xác, và tầm sát thương chắc chắn cao hơn nhiều, và tất nhiên nhiều chú chim hơn đã rớt xuống từ những tiếng nổ vang trời, từ những viên đạn cố ý của con người.
      Động cơ bắn bẫy chim không hề giống nhau. Bạn tôi có đứa muốn chơi bắn chim chỉ để chứng tỏ tài nghệ bắn chim chính xác của mình với bạn bè. Đối với những nhóm người vào rừng sâu kia, có vị sử dụng cả phương tiện xe hơi để đi săn bắn, chuyện săn bắn chim chắc chắn là do sở thích, thú tiêu khiển của họ, sở thích ấy khác với việc kiếm sống của các em nhỏ dưới chân đèo Phước Tượng, chúng săn bẫy chim, rồi nhổ lông xâu thành từng chùm  để bán cho khách đi qua. Dù xuất phát từ động cơ nào, dưới con mắt của những người ấy chim muông được xem là một phương tiện, một thú tiêu khiển, hay nói chung là một công cụ nhằm thỏa mãn các nhu cầu cá nhân của con người.
      Có bạn cho rằng tình trạng này là do quá trình đô thị hoá. Cũng có thể.
       Đất nước ổn định, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, dân số tăng trưởng, nhà cửa ngày càng mọc thêm, thành thị được nới rộng. Ao, hồ, và ngay cả ruộng đồng, đồi núi cũng bị san bằng để phục vụ cho công nghiệp, cho dân sinh. Chim không còn nhiều điều kiện để cư trú. Cuộc sống của nhiều loài chim bị đe doạ. Không còn đất sống, chim bay vào rừng. Nhưng trong rừng sâu kia mạng sống của chim vẫn tiếp tục bị đe doạ.
       Dù là nguyên nhân nào đi nữa, vấn đề vắng bóng chim bên các con đường làng, trên các hàng cây, các khóm hoa công viên trong thành phố, vẫn là một thực tế đáng cho người dân xứ Huế suy nghĩ.
      Nếu chúng ta thật sự quan tâm đến thiên nhiên, xem môi trường chúng ta đang sống không chỉ có con người mà cả hệ sinh thái trong đó có cây, có hoa (flora), có các loài sinh vật (fauna), trong đó có các loài chim, thì chúng ta phải có ý thức gìn giữ và xây dựng. Nếu chúng ta xem cỏ cây, loài vật là một phần không thể thiếu của một xứ Huế nổi tiếng về vẻ đẹp thiên nhiên, thì chúng ta phải có ý thức tìm lại cho Huế những gì vốn có. Ý thức ấy sẽ trọn vẹn hơn nếu nó xuất phát từ trái tim của mỗi chúng ta. Trái tim của chúng ta cần rộng mở, tình thương của chúng ta cần được nối dài, từ tình thương đồng loại đến tình thương đối với cỏ cây, loài vật. Yêu thương cỏ cây loài vật chính là yêu thương môi trường thiên nhiên, yêu thương môi trường sống của chúng ta, một thành phần thiết yếu giúp con người có một cuộc sống bền vững và có ý nghĩa.
      Chúng ta hãy bắt đầu xây dựng môi trường thiên nhiên ấy bằng những bóng chim.
      Bạn hãy tưởng tượng đi. Hai bên bờ sông Hương  những đám cỏ xanh sẽ đẹp hơn nhiều, sẽ dễ thương lên rất nhiều khi mỗi sáng mỗi chiều đều có nhiều đàn cò trắng hay những đàn bồ câu bay liệng. Các công viên Huế, các con đường đi bộ, sẽ sinh động hơn lên, thú vị hơn lên khi hàng ngày có những đàn chim đến tắm nắng ban mai, bên cạnh con người. Trên các tán cây rộng hai bên đường phố, các chú chim sâu rủ nhau làm tổ, cùng nhau hót líu lo mỗi buổi sáng. Vẻ đẹp của các lăng tẩm, cung điện, các danh lam mà du khách đi qua đều tăng lên bội phần khi có thêm những cánh chim bay, những tiếng hót thảnh thót, vừa làm dịu cơn nắng Huế, vừa làm mát lòng du khách, đem đến cho họ cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
      Chúng ta hãy nhìn sang các nước bạn. Không phải tự nhiên mà chính phủ và nhân dân nhiều nước đã có ý thức tạo nên những công viên, những đường phố mà con người và loài vật cùng chung sống bên nhau. Những đàn bồ câu kia không một chút sợ sệt khi sà xuống bên những người đi bộ, hay đi xe đạp. Chúng còn bay đến đậu trên vai của những người đi qua. Mà không phải chỉ chim thôi đâu, ở những vùng công viên rộng hơn, còn có những loài vật khác cùng chung sống nữa. Đó không phải là sở thú. Đó là thiên nhiên. Đó là môi trường sống của con người. Các con chim tự do bay nhảy mà không lo ngại đến tính mạng của mình, bên cạnh sự quan tâm, chia sẻ và bảo vệ của con người.
      Dân cư mạng vừa qua chuyền cho nhau xem những bức hình cảm động về câu chuyện tình bạn của một đôi chim. Lúc còn là đôi bạn thân chúng gắn bó với nhau, bay nhảy và nô đùa bên nhau, đến khi một con chim bị thương rồi chết, nằm bất động trên mặt đất, chú chim kia đứng mãi bên cạnh bạn, cúi nhìn bạn với vẻ mặt buồn rầu đau khổ, nó nhìn quanh như thể mong tìm một sự cứu giúp người bạn đã quá cố. Đó là tình đồng loại, đó cũng là bài học về cách sống, về sự chia sẻ. Làng Trúc Lâm không xa thành phố Huế, ở đó người dân sống chủ yếu nhờ làm nông và sản xuất nhỏ. Nhiều gia đình, qua mỗi mùa thu hoạch, có thói quen để dành ít lúa trong nhà để “vại”cho chim ăn. Hằng ngày, đến giờ hẹn, họ bốc vài nạm lúa thong thả vải trước sân nhà, và, như đã thành thói quen, chim chóc khắp nơi lũ lượt bay về để tiếp nhận vật phẩm từ những đôi tay từ tâm. Họ thong thả đứng nhìn chim ăn, và chim nhảy múa quanh sân trên những hạt lúa ân tình. Đó là một thói quen tốt, một nghĩa cử dễ thương, một hình ảnh đẹp của người dân xứ Huế.
       Riêng tôi, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thích về vùng quê để ngắm chim bay. Nhìn chim bay thôi cũng giúp tôi hiểu ra nhiều bài học, như bài học về tính tập thể. Những đàn chim bay theo hình cung, rồi bay theo một đường thẳng, không một con chim nào tách khỏi bầy để bay riêng cả. Chúng biết nương tựa, biết tôn trọng, biết hỗ trợ lẫn nhau, chúng linh hoạt trong đội hình, trong sinh hoạt, nhưng vẫn tuân thủ một tôn ti, một trật tự của tập thể.
       Một khi đã xem chim muông như những người bạn, những sinh vật có tình cảm, một khi đã có một tình yêu đối với môi trường sống của mình, chúng ta phải thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Những cây ná, những cây súng nên thay thế bằng những nắm lúa, những mẫu bánh mì, giúp thêm thức ăn cho những đàn chim. Vào quán ăn, chúng ta quyết không gọi những món ăn của loài vật hoang dã, của những loài chim khác nhau. Ta không gọi chim thì chủ quán sẽ không mua chim, mua thú hoang dã, và dĩ nhiên những người săn bẫy chim kia sẽ không còn đất sống, lập tức chuyển sang nghề khác.
      Hiện nay, nhiều quán cà phê ở Huế có nhiều khách đến uống để thưởng thức chim cảnh. Mỗi chú chim quý được nhốt trong một chiếc lồng đẹp, đặt cạnh nhau dưới những dàn hiên, hay trên những nhánh cây. Chúng bay nhảy trong những chiếc lồng rồi cất lên những tiếng hót. Những người khách cùng uống cà phê và chuyện trò bàn tán về những con chim đó. Rồi hội thi, mua bán, trao đổi ký gửi, các dịch vụ khác liên quan đến chim, xem chim như một loại hàng hóa, một phương tiện kiếm sống. Nét tích cực có thể được tìm thấy trong hiện tượng này, đó là một ý thích, một tình cảm, của con người về chim muông, về loài vật. Họ thích nhìn chim, họ yêu thiên nhiên với những bóng chim, nhưng họ chẳng tìm được nơi nào gọi là thiên nhiên trong thành phố với những chú chim bay nhảy tự nhiên và hót ca thánh thót. Những quán cà phê này là giải pháp cho họ, giúp họ tiếp xúc với chim, dù là những chú chim trong lồng. May mắn cho những chú chim này là chúng không bị giết thịt, chúng được sống, nhưng không phải sống theo những bản năng tự nhiên của mình.
      Việc ý thức về môi trường sống càng có tác dụng thiết thực hơn nếu nó trở thành một chủ trương của chính quyền và được sự góp tay của xã hội. Và dĩ nhiên, việc thi hành chủ trương cần phải có tổ chức, phải có tuyên truyền vận động theo dõi, và nhất là phải quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Chính những vị lãnh đạo phải là những người làm gương. Có thế người dân mới tin tưởng để chia sẻ và cộng tác. Các trường học phải là nơi tiên phong trong việc giáo dục tầm quan trọng của hệ sinh thái, về ý nghĩa của môi trường sống, phải là những nơi gương mẫu trong các thể hiện, các hành xử đối với cây cỏ, đối với loài vật, đối với những yếu tố môi sinh khác.
      Khi đọc đến đây, có bạn nghĩ rằng người viết bài này thiếu thực tế và rất mơ mộng. "Sẽ không bao giờ có một Huế như thế đâu, đừng mơ".
Ý tưởng  đó không làm tôi nản lòng, mà trái lại giúp tôi thêm tự tin cho lý tưởng sống của mình. Sống phải có hy vọng. Tôi chia sẻ với niềm tin của John Lennon, Ban nhạc the Beatles, trong bài hát IMAGINE:

You may say I’m a dreamer, 
but I’m  not the only one. 
I hope someday you’ll join us, 
and the world will live as one. 


Bạn có thể cho tôi là người mơ mộng, 
nhưng tôi không phải là người duy nhất. 
Tôi hy vọng ngày nào đó bạn sẽ mơ mộng cùng tôi, 
và thế giới này sẽ sống trở thành một.
     Tôi luôn hy vọng đã và đang có nhiều người dân Huế cùng chia sẻ suy nghĩ, cùng có chung hành động về việc bảo vệ những cánh chim, xa hơn là môi trường sống của họ. Bởi dân Huế vốn hiền hoà, sống chia sẻ, luôn mở lòng ra với mọi người, với thiên nhiên. Việc xây dựng và bảo vệ môi trường thiên nhiên là phù hợp với bản chất và đặc điểm của Huế, của vẻ đẹp Huế và của con người Huế.
     Không có chuyện gì là không thể, nếu chúng ta có ý thức, có quyết tâm, và biết tổ chức.
     Một cánh én không làm nên mùa xuân. Câu nói đó rất đúng. Nhưng một khi trong lòng mỗi chúng ta đã có mùa xuân, đã quyết tâm xây dựng mùa xuân, mùa xuân cho một thành phố Huế xanh và đẹp, cho một môi trường thiên nhiên hài hòa, sinh động và hấp dẫn, thì  tức khắc chim én sẽ đến, một con, hai con, ba con, rồi những đàn chim én sẽ bay về.
     Hãy một lần cùng tôi góp tay xây dựng Huế thành vùng đất lành, bạn nhé.  

Cánh rừng và công viên


Cánh rừng dưới lùm cây
người và súng cầm tay
giữa bầu trời đen xám
không một bóng chim bay.


Một tiếng súng nổ vang
cả cánh rừng hoang mang
một cánh chim rơi xuống
mặt đất vết máu loang.


Chim bất động nằm yên
đôi mắt còn nhìn lên 
từ nay không thấy nữa  
cảnh đất trời dịu êm.


Công viên bãi cỏ xanh
người đứng ngồi nằm quanh
một đàn bồ câu trắng
sà xuống đậu an lành.


Có người vẫy bàn tay
này chim ơi lại đây
không ngập ngừng sợ hãi
chim chạy đến người ngay.


Có người xích lại gần
tung mẩu bánh mì thơm
thêm một đàn chim nữa
đậu xuống kết tình thân.


Ở đâu có oán thù
lửa cháy và  hoang vu
nơi nào  tình thương hiện
bóng mát quanh bốn mùa.


Không nói ra bằng lời
loài vật  thấy được người
biết gần và lẩn tránh
từ cánh tay môi cười.


Công viên hay cánh rừng
hãy là mái nhà chung
người ca rồi chim hót
trái đất đẹp vô cùng.


Plymouth (2001) – Hue (2012)
Về Đầu Trang Go down
 
BÓNG CHIM
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» GỢI NHỚ BÓNG TRƯỜNG XƯA
» THÔNG BÁO: BẠN TRẦN VĂN HIẾU NHẬP VIỆN
» HUẾ- SÀI GÒN- ĐÀ NẴNG HỘI NGỘ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
huequochoc6774 :: huequochoc6774 :: Toàn cầu công bố-
Chuyển đến