huequochoc6774
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


LIÊN LẠC CÁC BẠN ĐỒNG MÔN KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 THẦY CÔ VÀ NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI.

Go down 
Tác giảThông điệp
lequytri

lequytri


Tổng số bài gửi : 177
Join date : 09/02/2013
Age : 69
Đến từ : Thành Phố HUẾ

THẦY CÔ VÀ NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI. Empty
Bài gửiTiêu đề: THẦY CÔ VÀ NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI.   THẦY CÔ VÀ NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI. Icon_minitimeFri Aug 05, 2016 10:10 am

THẦY CÔ VÀ NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI.
      Đối với một đứa trẻ ở lứa tuổi 11, 12 vừa học xong bậc tiểu học, dù học ở nông thôn hay thành phố, khi bước qua cổng trường Quốc Học, chắc chắn đều phải ngỡ ngàng, choáng ngợp trước một ngôi trường quá to lớn so với sức tưởng tượng của một đứa trẻ. Nhưng sự ngỡ ngàng, choáng ngợp về ngôi trường chỉ cho tôi cái cảm giác ngạc nhiên và thích thú mà thôi, điều để lại những ấn tượng sâu sắc trong kí ức tôi mãi cho đến bây giờ chính là đội ngũ giáo sư của trường .
     Tôi còn nhớ hồi mới vào trường, tôi nhìn quý thầy cô như nhìn những thần tượng của mình, tôi thấy thầy cô vừa "uy" vừa "oai", mà có dám đứng gần đâu, chỉ đứng nhìn từ xa thôi. Nên cứ mỗi lần được nghỉ giờ đầu hoặc giờ giữa, khi nghe chuông reng báo giờ vào học, tôi thường đứng sau những cột trụ ở hành lang nhà chơi để nhìn thầy cô lần lượt bước ra khỏi phòng giáo sư, với những bước chân khoan thai, đĩnh đạc, đi thành hàng dài dọc theo hành lang nhà chơi. Tuy mỗi người một vẻ - có thầy cô đơn giản chỉ mặc quần tây, áo sơ-mi hoặc trịnh trọng áo dài, áo vest, thắt cravat... nhưng trong mắt tôi, tất cả quý thầy cô đều toát lên nét nghiêm nghị, vẻ mô phạm và uyên bác... Trong trí tưởng tượng non nớt của tôi lúc đó, tôi nghĩ, quý thầy cô như những vị thánh đang đi đến các thánh đường để truyền giảng. Với tôi, đây là một hình ảnh đẹp và khó quên mà một học sinh nhỏ bé như tôi lần đầu tiên được nhìn thấy khi mới vào trường.
     Và sau những năm tháng được học tập, điều đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc nhất chính là cách truyền đạt kiến thức của đội ngũ giáo sư thời đó cho học sinh. Mỗi người một cách, không ai giống ai, đặc biệt là không gò bó và lệ thuộc quá nhiều vào những "công cụ hỗ trợ" nhưng giờ dạy vẫn rất hiệu quả. Thật khác với bây giờ!
     Tôi còn nhớ thầy Châu Tăng, dạy môn Sử Địa với cách dạy khá đặc biệt. Suốt cả năm học, thầy không bao giờ gọi học sinh dò bài, thầy chỉ yêu cầu vở sử địa phải bao bìa thật đep, viết chữ đẹp, rõ ràng, hình vẽ phải màu sắc bắt mắt... Và mỗi tháng thầy sẽ chấm vở lấy điểm, vì vậy bạn nào điểm môn sử địa cũng từ 16 - 20. Tôi thích nhất là sau khi thầy giảng bài xong, nếu còn thời gian, thầy cho học sinh đặt câu hỏi về bất cứ lĩnh vực nào mà các em thắc mắc. Thế là cả lớp nhao nhao lên đặt câu hỏi...
     Thầy L
ê Đình Ninh dạy môn Toán, phong cách nhanh nhẹn, hoạt bác, hai tay khuỳnh ra với dáng đi khỏe mạnh. Đến lớp, thầy thường chỉ cầm một cuốn sách hoặc đi tay không, giọng thầy giảng bài to, rõ ràng và đặc biệt, trên bục giảng, trong mắt tôi, thầy rất "hiên ngang", nhất là khi thầy vung tay vẽ một đường thẳng hay một đường tròn, động tác dứt khoát, chính xác chẳng khác gì .... đường kiếm của một võ sĩ samurai... 
     Thầy Mai Thanh Lân dạy Anh Văn, lúc nào cũng áo vest, thắt cravat chỉn chu, với dáng vẻ hào hoa, lịch lãm, luôn là thần tượng trong mắt chúng tôi thời đó. Khi lên lớp, thầy thường đi tay không, có khi thầy cũng cầm theo một cuốn sách nhưng hình như để cho có chứ trong quá trình dạy, thầy cũng ít khi nhìn vào sách, ngay cả những bài khóa dài hơn một trang sách thầy cũng đọc trôi chảy, lưu loát...
     Cô Lê Thị Liên dạy môn Sử Địa. Thật khó mà nói hết những cảm nghĩ về cô, một vị giáo sư đẹp cả về dáng người lẫn tâm hồn và trí tuệ, luôn để lại trong tâm tư của mỗi học sinh thời đó những cảm xúc rất riêng. Khi cô giảng bài, từ động tác đưa tay, đi lại trên bục giảng... đến lời nói đều rất chính xác, hoàn hảo, không thừa, không thiếu... Đặc biệt nhất là những lúc bắt gặp ánh mắt cô nhìn, tôi cảm nhận được sự ấm áp, gần gũi, bao dung, nhưng có khi cũng từ đôi mắt ấy tôi lại cảm thấy rất nghiêm khắc, xa xôi, và cả lạnh lùng...
      Vẫn còn rất nhiều thầy cô để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc như Thầy Nguyễn Châu dạy môn Triết học, Thầy Ph
ạm Đình Uyển dạy Anh văn, Thầy Nguyễn Thu dạy môn tân đại số, Thầy Phạm Hữu Hiệp dạy môn vạn vật... Chúng em luôn nhớ về quý thầy cô với tất cả sự trân trọng và lòng biết ơn vô hạn... 
     Ngoài ra, còn có một vị giáo sư đã để lại trong tôi những ấn tượng thật đặc biệt và nhiều điều rất khó lí giải... Tôi nghĩ, trong đời người, thường thì có những việc xảy ra lập đi lập lại nhiều lần, tạo thành những nếp hằn in sâu trong kí ức làm ta không thể quên được, nhưng cũng có những điều xảy ra nhiều lần trong quá khứ nhưng người ta lại không nhớ và có khi có những việc chỉ xảy ra một lần duy nhất trong đời và chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian rất ngắn - chỉ mấy mươi phút thôi, nhưng không hiểu sao mà ta cứ nhớ mãi, cho dù thời gian hơn 45 năm trôi qua như một lớp sương mờ đang bao phủ lên bức tranh kí ức muôn màu...
   Đó là một tiết học cách đây hơn 45 năm... tiết Cổ văn, bài "Thề non nước" của Tản Đà, ở lớp (...) học ở phòng (...) do thầy Ngô Kha dạy thay cho (...) với lí do (...). Vì từ lớp Đệ Thất 3, lớp tôi không học với thầy, nên khi thầy bước vào lớp, do hiếu kì tất cả học sinh đều yên lặng và nhìn thầy chăm chú. Tôi chỉ nhớ man mán thầy có mái tóc đen dày, đôi mắt sáng ẩn dưới cặp lông mày đậm cùng với chiếc kính cận nhựa đen...
  Và ấn tượng của thầy để lại cũng là cách truyền đạt kiến thức! Rất lạ!
  Sau khi cả lớp đứng dậy chào, thầy lấy phấn viết đề bài lên bảng, trong lúc chúng tôi đang loay hoay lấy sách và vở ra để ghi bài như mọi khi, thì bỗng vang lên tiếng đọc thơ sang sảng, đầy cảm xúc của thầy:

Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương...
  Cả lớp trố mắt nhìn nhau ngạc nhiên, có bạn còn nháy mắt nhau cười vì giọng đọc rất to như đang ngâm thơ và thầy cũng không bắt đầu bài dạy bằng câu thơ đầu tiên " Nước non nặng một lời thề" như thường thấy. Chỉ có vậy! và thầy bắt đầu say sưa giảng bài, còn chúng tôi chỉ sau mấy giây bị bất ngờ, đã ngồi yên lặng, "say sưa" lắng nghe... Đến cuối giờ, thầy còn nói thêm cho chúng tôi nghe một vài vấn đề hình như về chính trị xã hội gì đó (...). Sau này, tôi mới biết thầy còn là một nhà thơ và tham gia hoạt động cách mạng... Đến năm 1973, thầy đã "ra đi lặng lẽ" trước sự ngỡ ngàng và tiếc thương của tất cả đồng nghiệp và học sinh của thầy thời đó.
     Cho đến bây giờ, những lúc "cao hứng" tôi cũng:

Xương mai một nắm hao gầy,     
Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương...
    Như để tưởng nhớ đến một người thầy tài hoa nhưng mệnh bạc...

Mùa thu, 2016
LÊ QUÝ TRI.
( Nhưng chỗ có dấu (...) là những chi tiết mà tôi không nhớ. Bạn nào còn nhớ xin vui lòng bổ sung. Xin cám ơn.)
Về Đầu Trang Go down
 
THẦY CÔ VÀ NHỮNG ẤN TƯỢNG KHÓ PHAI.
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» NGÔI TRƯỜNG,THẦY CÔ VÀ NHỮNG ĐIỀU ĐỂ LẠI- Viết cho Đặc San
» AI LÀ THỦ PHẠM ?
» HUẾ- SÀI GÒN- ĐÀ NẴNG HỘI NGỘ
» Huế phải chăng là vô tình hay lạ mà quen .
» TIN MỚI NHẬN:LÊ KHẮC XINH BỆNH PHẢI NHẬP VIỆN.

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
huequochoc6774 :: huequochoc6774 :: Toàn cầu công bố-
Chuyển đến