huequochoc6774
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


LIÊN LẠC CÁC BẠN ĐỒNG MÔN KHẮP NƠI TRÊN THẾ GIỚI
 
Trang ChínhLatest imagesTìm kiếmĐăng kýĐăng Nhập

 

 NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
Hồ Văn Vinh

Hồ Văn Vinh


Tổng số bài gửi : 727
Join date : 30/01/2013
Age : 68
Đến từ : Đà Nẵng

NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC Empty
Bài gửiTiêu đề: NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC   NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC Icon_minitimeFri Mar 04, 2016 10:57 am

     Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Biên tập cho Đặc San số 2 nhân kỷ niệm 120 năm ngày thành lập trường Quốc Học Huế. Bạn Hồ Như Nghị đóng góp bài viết này. Tôi xin chuyển đúng nguyên văn đến BBT.
Nhớ về một thời là học sinh trường Quốc Học Huế 1967 – 1974.
    Còn không bao lâu nữa là ngày kỷ niệm 120 năm ngày thành lập trường Quốc Học, Huế, 1896 – 2016. Là một học trò nhỏ so với các bậc tiền bối nguyên là học sinh trường Quốc Hoc Huế, tôi thi vào lớp đệ thất trường Quốc Học niên khóa 1967- 1974, viết đôi dòng để nhớ về một thời là học sinh trường Quốc Học Huế.
    Tôi không phải là người con xứ Huế, nhưng số phận dun dủi tôi có cái duyên với Huế. Quê tôi là Xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng bây giờ, cho đến ngày 30/3/1975, sau ngày giải phóng TP Đà Nẵng (29/3/1975), tôi mới được gọi từ “Ba”, tôi chưa biết ba tôi là ai? Còn Mẹ tôi thì bị đày nơi phương trời Nam nắng gắt, chỉ đoàn tụ từ 27/01/1973.
    Tôi, cô tôi, th
ím và mẹ tôi vẫy tay đón xe Phi Long ở Nam Ô để rời đất Quảng ra Huế. Ra Huế rồi không có giấy khai sinh nên không học được, mặc dù ở quê tôi học lớp 3 trường làng. Vậy cô tôi phải chạy vạy cho cháu một giấy chứng thế vì khai sinh mà có nhiều chữ ký và chứng giám. Tôi tiếp tục được học lớp 3 trường Bồ Đề Hàm Long chùa Bảo Quốc, bên cạnh đường Nam Giao. Thế rồi tôi phải rời xa Bến Ngự- Phủ Cam để theo Cô, Dượng lên Linh Mụ, chùa có 7 tháp để học lớp nhất ở trường Tiểu học Long Hồ.
    Rồi cái gì đến phải đến, hết lớp nhất, tôi phải dự thi vào lớp đệ thất, niên khóa 1967 - 1968 tại trường Quốc Học. Tôi học không giỏi, chẳng khá mà chỉ trung bình. Cô Dượng tôi cũng kỳ vọng vào tôi vì cô tôi có 2 anh đi tập kết năm 1954 - năm tôi sinh (Giáp Ngọ). Một chiều, chạy từ nhà thờ Phủ Cam qua cầu, theo con đường Nguyễn Trường Tộ ra xem bảng, bảng niêm yết không niêm ở trường Quốc Học mà niêm bên hông trường Đồng Khánh. Tim đập thình thịch, tôi cùng bạn Hồ Sĩ Khuê xem bảng, biết sức mình không thể chọi nổi với những bạn đồng trang lứa thi vào, đưa cặp mắt dán vào tấm lưới sắt và dò từ dưới lên, dưới cũng chẳng thấy, trên thì không dám nhìn. “Đây rồi, mi đậu rồi Nghị ơi”- Khuê nói vì Khuê thấy tên tôi.
    Vào lớp đệ thất cho đến lớp 12, có rất nhiều kỷ niệm. Leo rào vào lớp theo cổng học thể dục, ăn chè nhưng chưa kịp trả tiền khi nghe tiếng chuông báo vào lớp, bữa sau đem tiền ra trả bác Cai. Dấu ấn còn sót lại với tôi là khi biết mình đã đậu, một mạch chạy về báo tin cho cô dượng biết, nào ngờ khi xe mới rẽ qua cầu bị một chiếc xe đạp chạy ngược chiều tông vào mặt, máu chảy, mũi sưng đến bây giờ vẫn còn cục sẹo.
    Cuộc đời theo dòng chảy cứ mãi trôi, được học, được làm quen bạn bè trong lớp, trong khối. Những năm học lớp tám, lớp chín tại trường tôi phải đi đưa báo để có tiền mua sách vở. Sự trưởng thành của con người thật kỳ lạ, trong mối quan hệ của gia đình không ai tránh khỏi, sống với Cô Dượng đôi lúc cũng tủi thân, cái ăn, cái mặc đâu phải dễ. Hai năm liền đi đưa báo, gặp quý thầy, quý cô thương vì mình được mang bảng tên Quốc Học. Thầy Lê Khắc Phò mà sau này tôi được học khi tôi đậu vào trường Đại Học Sư Phạm Huế khoa Sử Địa (1974-1978), thầy Trang Sĩ Hải - Hiệu trưởng trường Luật khoa, thầy Lê Thanh Minh Châu - Viện trường Đại Học Huế, Bác sĩ Vận và những thầy cô thương tình khi thối lại đồng tiền lẻ cho tôi với lời động viên cố gắng học tập. Kỷ niệm xưa hiện về với tôi như một mạch sống, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Quốc Học Huế đã  giúp tôi số tiền là ba ngàn đồng (3000đ)/tháng vì tôi không có cha mẹ. Năm 1974 tôi được vào Đại Học Sư Phạm Huế.
     Em xin cảm ơn quý thầy cô đã truyền đạt cho em kiến thức để em nên người. Em theo nghề của quý thầy cô vì em thấy quý thầy cô sao mà cao siêu thế. Nhìn dáng thầy đi, cử chỉ thầy dạy sao mà tuyệt thế. Em trân trọng tri ân quý thầy Nguyễn Châu, Thầy Ký Hiệu trưởng, các thầy Tổng Giám thị và các thầy cô khác.v .v . đã cho em nên người.
      Xin cám ơn thầy Linh mục Nguyễn Phương cho em học phương pháp Sử, thầy Hoàng Lê Tạc cho em kiến thức KNXH – TBCN, thầy Nguyễn Khoa Lanh cho em bài Địa chất và những thầy cho em ước mơ làm thầy. Trọng thầy mới được làm thầy.
    Năm 1978 tôi rời Huế, để lại phía sau hai cổng trường Quốc Học và Đại Học Sư Phạm Huế đã nuôi mầm cho tôi được như hôm nay.
    T.B. Cho đến hôm nay tôi cũng chưa hiểu là tại sao lúc đó ngôi trường bề thế với chiều dài lịch sử nhất nhì của cả nước lại chỉ tuyển sinh toàn học sinh Nam, ngược lại trường Đồng Khánh lại toàn là Nữ sinh?.


Hồ Như Nghị  - Hòa Liên Đà Nẵng - 01/3/2016
Về Đầu Trang Go down
nguyenphuocvinhhoa

nguyenphuocvinhhoa


Tổng số bài gửi : 71
Join date : 14/10/2013
Age : 67
Đến từ : Huế

NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC   NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC Icon_minitimeMon Mar 28, 2016 6:06 pm

Tìm được tấm hình lúc hội diễn Quochoc mình rất ngạc nhiên. May mà nó vẫn còn nét nhờ hình trắng đen, chứ hình màu thì tiêu rồi.
      Mình thuộc số ít những người không giữ được nhiều lưu vật. Bởi sau năm 1975, nhà mình phải dời dọn rất nhiều lần. Khi chiến tranh gần kết thúc, 2 anh e trai mình được gia đình gởi xóm giềng cho vào Đà Nẳng. Hành trang lúc đó mình chỉ mang theo giấy tờ tùy thân cần thiết nhất. Lúc về lại Huế, nhiều thứ đã mất đi. Sau đó, gia đình phải rời nơi sinh sống và cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, để trả nhà tập thể cho chính quyền CM. Thời may, Ba mình được một người bạn vốn là chủ nhân của nhiều khách sạn tại Huế lúc bấy giờ cho ở tại một căn nhà bỏ trống trên đường Phan Chu Trinh của ông, nằm đầu Xóm Trâu, giữa 2 cây cầu Bến Ngự và Phú Cam. Ngôi nhà 3 tầng khiến mình rất sung sướng vì bổng nhiên lần đầu tiên được ở nhà lầu. Nhưng dọn nhà đến ở không lâu, chỉ chừng một tuần thì những kẻ gian nào không biết, đêm đó chúng leo vào bên trong và đốt cháy đống củi mà Mẹ mình đã cất công góp nhặt trong vườn. Giữa khuya bỗng suýt bị cháy nhà, cả gia đình mình hốt hoảng kêu cứu và nhận ra sự nguy hiểm ở khu vực này. Ba Mẹ mình sau đó phải gặp chủ nhà và xin trả lại nhà sau khi xin ở tạm tại nhà người Dì ruột của mình ở gần đó (giữa cầu Phú Cam và Bến Ngự). Lại dọn nhà. Gần một năm sau thì Dì mình cũng bán nhà. Lại phải dời nhà sang một trong 3 gian nhà của người Cậu ruột. Hai năm sau, người con của Cậu lập gia đình phải ở tại gian nhà này. Lại dời nhà một lần nữa. Căn nhà mới được gọi là nhà nhưng cũng chỉ là một trong 3 gian của một ngôi nhà mà chủ nhân của nó là một người thợ nề quá nghèo không đủ khả năng che chắn bảo dưỡng, vì thiếu mái che nên gian phòng này xuống cấp, chỉ còn một bức tường lẻ loi đã nhiều năm liều lĩnh với nắng mưa. Mình vẫn còn nhớ giá tiền của bức vách này là 400 đồng vào năm 1978 (khoảng 18 tháng học bổng của mình). Nhờ những tấm tôn cũ và các cây sắt Mỹ xin được, gian vách trở thành ngôi nhà “ổn định” của gia đình mình. Mãi đến lúc này mới hết đổi nhà.
        Người ta bảo: 3 lần dọn nhà bằng 1 lần cháy nhà. Trong 3 năm mình dọn nhà 4 lần. Hỏi có thứ chi mà còn.

      Bắt gặp tấm hình mình trong ngày hội diễn trường hơn 40 năm về trước, bảo sao mình không vui, không quá vui!

NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC <a href=NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC 19346910

HÒA HÓM - Bến Ngự, Huế
Về Đầu Trang Go down
 
NHỚ VỀ TRƯỜNG QUỐC HỌC
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» CON MA TRƯỜNG QUỐC HỌC
»  BẢNG TÊN TRƯỜNG QUỐC HỌC NĂM XƯA.
» ẢNH TRƯỜNG QUỐC HỌC NGÀY NAY
» ẢNH TRƯỜNG QUỐC HỌC - NHÂN NGÀY 23 THÁNG 10 NĂM 2014
» ẢNH LỚP 11B2 TRƯỜNG QUỐC HỌC NIÊN KHÓA 1972-1973

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
huequochoc6774 :: huequochoc6774 :: Trường, Lớp-
Chuyển đến